Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Tên tuổi - Lung Tung Quá

Dù sao tôi cũng có thể được cho là may mắn khi thấy rằng mình là người đã đi, làm việc và sống ở hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Những nơi sống và làm việc lâu năm như Phan Thiết, Nha Trang, Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Thanh Hóa.Rồi có những nơi sống ít hơn chỉ được tính bằng tháng như Rạch Giá, Cà Mau, Vũng Tàu, Cao Bằng. Còn lại hầu hết các địa phương đều đã được ở với đơn vị tính là ngày.
Đi nhiều, cũng gặp nhiều rắc rối, những rắc rối liên quan đến tên gọi các loài vật. Tiếp xúc nhiều và thấy trên thế giới cũng phức tạp, lung tung như Việt Nam ta thôi.
Con cá Trác (cá Sơn), theo sách vở là thế, nhưng ở miền Trung thấy nó đỏ như cái Bã Trầu, vậy thì gọi nó là cá bã trầu. Nhưng vào đến miền Nam, họ nhìn vào đôi mắt to và như có gương của nó và gọi nó là cá Mắt Kiếng. Người Anh, họ cũng gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng nhìn chung tên nào cũng có màu đỏ và mắt to - Red bigeye . Còn người Nhật thì gọi là Kintokidai.
Con cá có răng sắc nhọn, khi bắt được loài cá này là có nghĩa rằng vùng biển đó sẽ không còn các loại cá khác, có lẽ do nó quá hung dữ. Vì vậy mà nó có tên là Cá Hố. Người Anh thì gọi nó là Hair Tail vì đuôi có lông chăng ? Có lẽ vậy, đuôi cá hố là những sợi lông ghép lại ! Nhưng người Úc thì lại gọi là Belt Fish, vì nó như cái thắt lưng vậy. Cũng nói tiếng Anh, nhưng người Mỹ lại gọi là Glass Fish, vì lớp da ngoài là một lớp phấn trắng như gương. Cá Hố, tiếng Nhật cũng như tiếng Việt, chỉ có một tên gọi là Tachio.
Về Gạo, người miền Bắc gọi là Gạo Nếp và Gạo Tẻ. Trong khi người miền Nam lại chỉ gọi là Gạo và Nếp. Lúc mới thống nhất, có người miền Bắc ra chợ miền Nam hỏi "Dì bán cho 10 ký gạo nếp" bà bán gạo hỏi lại "10 kg, nhưng bao nhiêu kg gạo bao nhiêu kg nếp ?" và cũng đã từng có em bé được mẹ dặn ra chợ mua 5 kg gạo nếp, khi về nhà bà thấy 5 kg đã được trộn đều nửa gạo, nửa nếp. Đối với người miền nam, gạo là gạo và nếp là nếp - không có vừa gạo vừa nếp.
Tương tự như vậy, người miền Nam coi cá là cá, mực là mực, chứ không có việc gọi cá mực như người Bắc. Sở dĩ người Bắc gọi cá mực là họ phiên âm từ tiếng Trung Quốc, tiếng Trung gọi là "mo dzũi" tức Cá Mực, dzũi là cá, như "hong dzũi" là "Cá Hồng". Người Trung Quốc cũng có lý, khi mà ngay cả người Anh cũng gọi là cá, người Anh gọi là Cuttlefish, cũng có đuôi fish là cá đó sao ? Thầy giáo hỏi một sinh viên đại học hải sản "Anh hãy mô tả về con mực", "Thưa thầy, Mực là một loài cá, sống dưới nước, có màu trắng và đi giật lùi" . Thầy giáo phán " Đúng rồi, tuy nhiên chỉ sai có vài điểm nhỏ, Mực không phải là loài cá, không có màu trắng, và không phải lúc nào cũng đi giật lùi, còn lại là đúng cả". Người Tàu cũng sai, người miền Bắc cũng sai (vì học cái sai người Tàu mà), người Anh cũng sai, chỉ có người miền Nam là đúng. Người Nhật gọi Mực Nang là Mongo Ika, Mực Ống là Yari Ika, không có gì dính dáng đến cá (Sakana) cả.
Người Bắc gọi là con Moi, mắm moi . Người miền Nam lại gọi là con ruốc, mắm của nó là mắm ruốc. Nhưng người Huế lại phức tạp hơn nhiều, vì con ruốc quá nhỏ so với con tôm, nên họ coi con ruốc "có như không" và gọi con ruốc là con Khuyết. Nhưng mắm của nó thì người Huế gọi là Ruốc (Ruốc only - Không có từ mắm phía trước). Ra đến Nghệ An thì lại đã khác, khi còn tươi mới bắt lên là con Khuyết, phơi khô rồi là con Moi, muối thành mắm là mắm Ruốc - Có lẽ do người Nghệ An đi nhiều, lưu lạc nhiều miền rồi mới về làm lãnh đạo chăng ! Người Anh thì đơn giản thôi, họ thấy con này giống như tôm nhưng nhỏ hơn thì gọi là Baby Shrimp, hay Ami Shrimp, và khi đã làm khô thì thêm Dried vào phía trước nữa là xong - không làm phức tạp thêm vấn đề.
Lại nó về việc "có như không" con cá Thu (Spanish Mackerel), người ta thường thấy con cá Thu kích thước tương đối lớn. Khi nhìn thấy con cá tương tự như vậy, nhưng nhỏ hơn người tà bèn gọi Cá Thu Ảo (Spoted Mackerel) - Cá Thu mà không phải là cá Thu, chỉ là cá ảo thôi !
Con cá Trích, người Anh gọi là Herring, Spotted Sardine, Sardin,... Khi người ta thấy con cá giống nó, mua về ăn thì mới nhận ra rằng có một loại cá tương tự cá Trích nhưng không phải cá Trích và có xương rất nhiều, vì sự nhầm lẫn này mà cá này có tên là cá Lầm. Người Nhật rất mê cá Trích, cá Trích tươi họ ăn sống (sushi), cá khô nướng ăn cơm, và nó được đặt tên theo nghĩa quá ngon này là Mamakarin, nghĩa là "cá ngon hết cơm", "cá ngon quá nên ăn hết cơm".
Các loại hải sản, đa phần miền Bắc và miền Nam gọi tên khác nhau cho cùng một con cá. Chẳng hạn cá Song (Grouper) ở miền Bắc là cá Mú ở miền Nam, cá Giò (Cobia) ở miền Bắc là cá Bớp ở miên nam, cá Dũa (Nục Heo - Mahi Mahi) ở miền Nam là Theo Cước ở miền Bắc... vv..
Duy chỉ có con cá Mối là hay. Con bò sát mà Miền bắc gọi là con Thằn Lằn thì miền Nam gọi là con Rắn Mối. Trong khi con mà miền Nam gọi là con Thằn Lằn, thì miền Bắc lại gọi đó là con đó là Thạch Sùng. Người miền Nam nhìn thấy con cá giống con Rắn Mối bèn gọi là Cá Mối, và người miền Bắc cũng gọi nó là Cá Mối chứ không gọi là Cá Thằn Lằn, vì cá Thằn Lằn lại đã có tên của một loài cá khác và người Bắc không hề biết đến con rắn mối. Người Anh cũng gọi là Cá Mối, Lizardfish, Lizard là con rắn mối (Thằn lằn) fish là cá. cũng theo nghĩa đó, người Nhật goi là Ma Esso.
Tên cá Mối di chuyển từ Nam ra Bắc, nhưng tên Thạch Sùng thì lại di chuyển từ Bắc vào Nam. Khi người Việt di chuyển từ Bắc vào Nam và câu chuyện "Sự tích con Thạch Sùng" cũng đi theo. Trải qua bao nhiêu năm nhưng nhân vật chính vẫn là Thạch Sùng chứ không phải ông là ông Thằn Lằn hay ông Rắn Mối, trong khi miền nam không biết con thạch sùng là con như thế nào.
Do tiếng địa phương, ở Phan Thiết gọi "ô' thành "âu" (Xem bài Dưa Hấu có nguồn gốc từ Bình Thuận của tôi, đăng ngày 29/10/2009) nên khi chúng tôi bắt đầu sản xuất mặt hàng cá Mối, một công nhân địa phương thông báo "hôm nay nhà máy làm cá Mấu", một công nhân khác mới từ Bắc vào, một người luôn nhanh nhảu đoán ngay "A, em biết rồi, cá Mấu ngoài Bắc gọi là cá Ngạnh". Không ai nói gì, chỉ khi mọi xem xe cá mới biết,...
Lại nói về cách gọi tên của người Huế, người Huế luôn tìm cách gọi khác đi so với các miền khác. Chẳng hạn như các miền gọi là con Ghẹ (Swimming Crab) thì người Huế gọi là con Vò Vọ, Con cá Bánh Đường (Seabream) thì ở Huế gọi là cá Bằng Chằng, Cá Căng (Tiger fish) thì họ gọi là cá Ong. Đăc biệt con cá Nhụ (Indian Threadfin - Polinemus indicus), một trong bốn loại cá ngon nhất (Chim, Thu, Nhụ, Đé), trong khi miền Bắc gọi cá Nhụ, miền nam gọi cá Gộc, thì người Huế gọi là Cá Ngứa. Cá Ngứa ở Huế cực kỳ ngon, không biết có phải do phù du của đầm phá Tam Giang hay không, nhưng cá rất ngon so với cá Nhụ ở miền Bắc và cá Gộc ở Kiên Giang. Khi tôi ở Huế, tôi dã đem thắc mắc về tên cá Ngứa đi hỏi anh bạn tôi, một nhà Huế học đã trả lời rằng " Xưa, khi vua ăn cá này thấy cá này quá ngon, vua bèn đặt tên là cá Ngứa, mục đích là làm cho dân thấy tên cá Ngứa nên không dám ăn nữa, để vua ăn"- Vô lý !
Mỗi miền, mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có cái lý của họ. cây họ đậu, ra hoa như đậu, khi có trái, trái phát triển và chui vào lòng đất, vị trí mà không phải một loại trái cây khác có thể làm được, lạc lối rồi - nên gọi là củ Lạc. Nhưng miền Nam thì không gọi là củ mà khẳng định luôn là quả và là một loại quả họ đậu - Trái Đậu Phộng (Hay đậu Phụng).
Người Anh thì gọi nhiều tên khác nhau, Peanut, Groundnut hay Eathnut,... tức là Hạt Đậu hoặc Hạt của Đất.
Để minh chứng cho sụ lộn xộn của từ ngữ ở Việt Nam và đôi khi còn dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc và cũng để kết thúc bài viết nay, tôi xin kể một câu chuyện có thật xảy ra đã lâu. Ngày xưa, khi các chú miền nam tập kết ra bắc (1954), có chú là bác sỹ, khi vị bác sỹ này mổ ruột thừa xong cho một chị miền bắc bèn dặn "Chị cố gắng địt một vài cái, nếu địt được tức là ruột thông suốt, sẽ nhanh khỏi hơn". Tối đó anh chồng vào thăm vợ, chị vợ thuật lại lời vị bác sỹ, sau đó hai vợ chồng đã "cố gắng" thực hiện lời dặn của vị bác sỹ theo cách hiểu của người miền bắc - Kết quả bệnh nhân bục chỉ - tử vong ! Sau này, để tránh hiểu lầm, người ta đã phải dùng đến câu thơ cho mọi người dể nhớ như sau
Địt miền nam thì thối inh
Địt miền bắc, sướng rung rinh cả người
Phức tạp thay
Trời Gầm - 21/01/2010